Đây là những nông dân đã tham gia vào chuỗi cung ứng rau quả Đà Lạt của Metro từ năm 2006. Về cơ bản, việc chuyển đổi sang áp dụng tiêu chuẩn VietGap không quá khó khăn vì VietGAP và Metro Requirements có những điểm tương đồng như cách sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, ghi nhật ký. Những hộ nông dân này đã hợp tác với Metro từ nhiêu năm nên việc chuyển đổi mô hình đều thuận lợi.
Ông Lê Văn Tuấn, cán bộ thực địa Công ty Metro tại Đà Lạt cho biết tiêu chuẩn Metro Requirements được Tập đoàn Metro xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn GlobalGAP với mục đích chính là tăng sản lượng, giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch và đảm bảo chất lượng nông sản. Tiêu chuẩn này được áp dụng từ cuối những năm 2006 khi công ty nhận thấy có nhu cầu cao về sản phẩm chất lượng trong các nhóm khách hàng của Metro.
"Chúng tôi đang hỗ trợ hộ nông dân chuyển đổi sang mô hình VietGAP. Đây cũng chính là những hộ nông dân đóng vai trò tiên phong trong việc áp dụng mô hình này", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nông dân tham gia chương trình tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho rằng khi sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia VietGAP, người nông dân có cơ hội làm ra những sản phẩm chất lượng và mở rộng cơ hội tiêu thụ tại nhiều thị trường trên toàn quốc.
Sản lượng rau quả của 20 hộ nông dân trong số những nông dân đạt tiêu chuẩn VietGAP đợt đầu vào khoảng 1.400 tấn một năm, tập trung vào các sản phẩm cà chua, bắp cải, cà tím, rau mùi, rau thơm… Theo kế hoạch, riêng trong năm 2014, Metro sẽ hỗ trợ ít nhất 50 hộ nông dân chuyển đổi thành công sang mô hình này.
![]() |
Toàn bộ số lượng cà chua bi của bà Phạm Thị Thu Cúc được Công ty Metro bao tiêu. |
Bà Phạm Thị Thu Cúc, nông dân tại Lạc Dương, Lâm Đồng, một trong những người đầu tiên được tập huấn canh tác theo tiểu chuẩn Metro Requirements, vừa được hỗ trợ để chuyển đổi thành công sang mô hình VietGAP. "Hiện nay Metro vẫn bao tiêu các sản phẩm rau mùi, rau thơm, húng tây, cà chua cherry và nhiều loại rau khác nhưng với VietGap chúng tôi tin tưởng sẽ có nhiều thị trường và cơ hội mới trong tương lai", bà Cúc nói.
Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, các hoạt động tập huấn thường xuyên cùng việc lập kế hoạch kinh doanh định kỳ của nhân viên Metro và các cán bộ khuyến nông, người nông dân đã có thể yên tâm đầu tư, sản xuất và yên tâm với đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá.
Theo ông Đỗ Hữu Trí, Trưởng phòng Thu mua các sản phẩm tươi sống Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, tất cả nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP và Metro Requirements đều được thu mua và tiêu thụ trong các trung tâm phân phối của công ty trên toàn quốc. Nông dân tham gia vào chuỗi giá trị rau quả của công ty không chỉ bán cho Metro mà có thể bán cho các đơn vị bán lẻ hoặc phân phối khác.
Bên cạnh các sản phẩm rau quả, Metro đã làm việc với Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong hoạt động chuyển đổi mô hình sản xuất của các hộ nuôi trong thủy sản sang mô hình VietGAP. Công ty cũng đang khuyến khích và hỗ trợ các hộ nuôi ếch tại Đồng Tháp, nuôi lươn tại Cần Thơ, cá lóc ở khu vực Trà Ôn, Vĩnh Long, cá diêu hồng vùng Bình Thủy, Thốt Nốt, Cần Thơ chuyển đổi sang mô hình sản xuất VietGAP.
Minh Trí