Không chỉ cấu kết với những kẻ có chức tước, giàu có nhằm mục đích lũng đoạn và thâu tóm, người đàn bà ấy còn nhẫn tâm giết con mình để có thể thỏa mãn dục vọng của bản thân…
Người đàn bà nhẫn tâm giết con mình chính là Hồ Thái hậu. Vào cung và sống với thân phận ban đầu là một phi tần của Tuyên Vũ đế, Hồ thị đã “một bước lên tiên” khi con trai của bà và Tuyên Vũ đế được phong làm thái tử. Hồ thị được đánh giá là người phụ nữ thông minh, có khả năng nắm bắt và hiểu sự việc nhanh chóng. Mùa đông năm 512, khi Tuyên Vũ Đế lập Nguyên Hủ - là người con trai duy nhất còn sống sót, làm thái tử, đáng ra Hồ thị sẽ phải chết do trước đó Bắc Ngụy có phong tục mẹ thái tử phải chết để tránh nạn ngoại thích, lộng quyền. Tuy nhiên, đến thời Tuyên Vũ Đế lại quyết định bỏ lệ đó nên Hồ thị đã thoát chết. Lịch sử ghi chép rằng nhờ có các quan đại thần và hoạn quan bảo vệ, nên Hồ thị mới tránh được nạn xử chết khi con được phong thái tử.

Vào năm 515, Tuyên Vũ Đế chết, thái tử Nguyên Hủ lúc này mới được 6 tuổi lên ngôi thay cha trị vì đất nước. Cũng từ lúc này, Hồ thị nhanh chóng được tôn làm Hoàng thái phi rồi sau đó là lên Hoàng thái hậu. Bà dần nắm quyền nhiếp chính - điều hành triều đình.

Ngay sau khi nắm được quyền hành, Hồ thị lập vây cánh tin cậy, bà loại bỏ, đẩy những trung thần ra làm quan ở bên ngoài hoàng cung. Bà bắt đầu dung túng cho các vương thân đại thần tham nhũng. Hồ Thái hậu khiến dân cực khổ vì phải lao dịch phục vụ cho thú ăn chơi hưởng lạc của mình cùng các đại thần…

Trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ với lối sống xa hoa nhưng lại phải chịu cảnh phòng the lạnh lùng khi mới 33 tuổi do Tuyên Vũ đế mất. Hồ Thái hậu không cam tâm để tuổi xanh trôi đi trong cô đơn, gối chăn một mình. Bà ra sức tìm cho mình những nhân tình để thỏa mãn đời sống tình dục trong cung cấm. Đời sống tình dục của bà phóng khoáng và dâm loạn đến mức bà là người “cưỡng bức” đàn ông trong cung.

Theo sử sách ghi chép, để thỏa mãn nhục dục của mình, những người lọt vào mắt xanh của Hồ Thái hậu dù không muốn cũng phải quan hệ tình dục với bà. Bà luôn “sưu tầm” cho mình những chàng trai đẹp để đáp ứng nhu cầu nhục dục của mình. Và sự đam mê đó khiến nhiều chàng trai sợ chết khiếp. Tương truyền, Hồ Thái hậu có đem lòng si mê một nam tử là Dương Hoa. Bà ra lệnh buộc Dương Hoa phải vào cung để ép chuyện mây mưa. Tuy nhiên khi Dương Hoa nghe nói đã quá khiếp sợ mà bỏ trốn mất.

Hồ Thái hậu đã sống đắm chìm trong hoan lạc, dục vọng đến mức giết cả con mình để khỏi bị cấm cản (Ảnh minh họa)

Sau sự việc Dương Hoa bỏ trốn, Hồ Thái hậu cũng chỉ nỉ non đau khổ vài ngày, sau đó bà nhanh chóng quên đi bằng việc ăn chơi, hưởng lạc và tiếp tục đời sống mây mưa với những đại thần. Một trong số những người được Hồ Thái hậu trọng dụng để phục vụ đời sống gối chăn cho mình là Hoàng thân Nguyên Dịch.
Chính vì sự ưu ái và mối quan hệ thân thiết mà Hồ Thái hậu dành cho Hoàng thân Nguyên Dịch đã khiến cho nội bộ lục đục. Tháng 7 năm 520, một cuộc tạo phản diễn ra khiến Nguyên Dịch bị giết còn Hồ Thái hậu bị bắt giam.

Năm 523, nhân lúc Bắc Ngụy rối ren, Bộ tộc Nhu Nhiên ở phía Bắc bèn mang quân quấy phá. Nội bộ rối ren, giặc ngoài quấy phá khiến cho đời sống dân chúng ở vùng biên bị đói khổ thê thảm. Họ nhiều lần thỉnh cầu triều đình cấp phát lương thực nhưng không được đáp ứng nên đã nổi dậy khởi nghĩa. Năm 525, khi Nguyên Hủ đã 16 tuổi. Hồ Thái hậu bị giam cầm, năn nỉ vua con Nguyên Hủ nói với Nguyên Xoa (người đã nổi dậy đảo chính giết Nguyên Dịch và hiện là nhiếp chính) cho mình được tại ngoại.

Do đích thân Nguyên Hủ xin thả Hồ Thái hậu nên không một chút nghi ngờ, Nguyên Xoa thả Hồ Thái hậu ra. Tuy nhiên khi vừa được thả ra, hai mẹ con Hồ Thái Hậu, Nguyên Hủ cùng với Cao Dương Vương Ung bày mưu đối phó với Nguyên Xoa. Rơi vào bẫy cấu kết với quân sáu trấn làm phản, Nguyên Xoa bị bắt rồi xử tử. Hồ Thái hậu trở lại nắm quyền nhiếp chính.

Ngay khi trở lại nắm quyền hành, Hồ Thái Hậu tiếp tục lao vào đam mê hưởng lạc, gian díu với đại thần Trịnh Nghiễm, bỏ mặc chính sự cũng như không chăm lo đến đời sống nhân dân. Trước sự suy đồi của Hồ Thái hậu, Nguyên Hủ (tức Hiểu Minh đế) phản kháng, không cam chịu để Hồ Thái hậu tiếp tục sai khiến.

Thấy rõ được tâm ý của con, Hồ Thái hậu bèn nhanh chóng triệt hạ những người gần gũi với vua con để cô lập hoàn toàn quyền lực. Cũng vì thế mà mối quan hệ mẹ con giữa Nguyên Hủ và Hồ Thái hậu càng trở nên xấu hơn.

Năm 526, khi quân Lương đánh chiếm 52 thành ở Thọ Dương của Bắc Ngụy mà không có đối sách nào để chiếm lại. Do quá bất mãn với lối sống trụy lạc của mẹ mình, Hiếu Minh Đế muốn dựa vào Tù trưởng bộ lạc Tú Dung Nhĩ Chu Vinh để chống lại phe Thái hậu. Đầu năm 528, nghe theo mưu kế của thủ hạ, Nhĩ Chu Vinh chuẩn bị dấy binh đánh vào thành Lạc Dương thì trong triều đình xảy ra chính biến. Hồ Thái hậu đã đi trước con trai một bước. Trong lúc Nhĩ Chu Vĩnh còn chưa xuất quân thì bà đã hạ độc giết chết con trai là Nguyên Hũ và lập cháu nội mới 3 tuổi lên làm vua.

Xung quanh về vấn đề này sử sách có ghi lại rằng, Hồ Thái hậu do bị con trai chê trách, không phục vì lối sống dâm dục, lăng loàn nên bà đã lập mưu giết chết con để không còn bị cấm đoán. Trước đó, bà từng tuyên bố, với bà thì nhân tình luôn quan trọng hơn đứa con ruột thịt của mình.

Việc giết con trai và khuấy đảo triều chính của Hồ Thái hậu được sử sách đánh giá là hành động tàn độc ghê rợn. Ngoài ra nó còn được coi là hành động ngu xuẩn bởi vì chính vì việc giết con trai mà không lâu sau đó, Hồ Thái hậu đã gặp phải họa sát thân – chết thảm vì bị Nhĩ Chu Vĩnh dìm xuống nước.

Nguồn bài viết: AFamily.VN